2021.11.24

Cảm nhận của phiên dịch viên về khó khăn trong “Phiên dịch tiếng Nhật trong kinh doanh”

Xin chào tất cả mọi người.

Mình là Ngân, phụ trách phiên dịch tại chi nhánh Hồ Chí Minh.

 

Tiếng Nhật thật sự là một ngôn ngữ khó đối với người nước ngoài.

Việc cấu trúc ngữ pháp khác biệt của tiếng Nhật so với tiếng Việt cũng khiến nhiều người gặp không ít khó khăn khi học nó.

 

Học tiếng Nhật đã khó, để phiên dịch được càng khó hơn.

Vì chưa thể thành thạo tiếng Nhật một cách hoàn hảo, nên không chỉ riêng mình,

Mà mình nghĩ rằng, có rất nhiều bạn cũng gặp khó khăn mỗi khi phiên dịch.

 

Vậy khó khăn của việc biên dịch và phiên dịch là gì, hãy cùng mình điểm qua một số vấn đề sau nhé.

 

1. Từ chuyên ngành

Đầu tiên là khó khăn do thiếu vốn từ vựng chuyên ngành cũng như hiểu biết và kinh nghiệm chuyên ngành

Chương trình học của những người học ngoại ngữ thường xoay quanh các chủ đề là cuộc sống thường nhật,

hoặc tin tức báo chí và cao hơn chút là các vấn đề nghị luận xã hội.

Nói chung là các đề tài chung chung mà bất cứ ai cũng có kiến thức về nó.

Nhưng công việc phiên dịch thì thường là nó sẽ tập trung vào một lĩnh vực nhất định nào đó,

có các khái niệm đặc thù đòi hỏi mình phải có một khoảng thời gian học, tìm hiểu, trải nghiệm về nó

rồi thì mới nắm được kiến thức cũng như từ vựng.

Cho nên đó là cái khó thứ nhất của việc phiên dịch

 

 

Như Frontier Consulting Việt Nam chuyên về thi công nội thất văn phòng.

Là một phiên dịch, mình cần học để quen với các thuật ngữ thiết kế và xây dựng.

Có thể nói mình ở thời điểm hiện tại cũng biết được ít nhiều từ vựng chuyên ngành xây dựng hơn

so với hồi mới vào công ty rồi nhưng mà thật sự là vẫn chưa đủ mọi người ạ, cần phải trau dồi thêm nhiều mới được.

 

2. Khó do khác biệt thứ tự trong thành phần câu

Cái khó tiếp theo là ngữ pháp tiếng Nhật.

Ví dụ tiếng Việt thì thành phần câu là

「Chủ ngữ + động từ + bổ ngữ」

Nhưng tiếng Nhật thì lại là

「Chủ ngữ+ bổ ngữ + động từ」

 Tức là trong tiếng Nhật thì động từ nó nằm sau cùng nên cần phải nghe tới hết câu mình mới dịch được.

 

 

Ví dụ câu “tôi đang ăn”,

trong tiếng Anh mà nói “I’m eating” thì mình đã dịch được là “tôi đang ăn”rồi.

Người ta nói thêm chữ “lunch” nữa thì mình cứ thế dịch tiếp thôi.

Còn tiếng Nhật mà nó nói dở câu 「昼御飯(bữa trưa)を….」thiếu đi động từ phía sau

thì mình sẽ không biết dịch thế nào.

Vì mình sẽ không biết được ý người nói là

“đang ăn trưa” hay

“đang làm cơm trưa” hay

“đang đi mua cơm trưa”

Phải chờ người ta nói hết cái động từ phía sau mới dịch được.

Vì vậy, thứ tự thành phần câu trong 2 loại ngôn ngữ khác nhau nên cũng gây khó khăn khi dịch.

 

3. Khó khăn khi đối phương diễn đạt quá nhiều

Thường thì người ta sẽ nói một loạt hết các ý chứ không có ngắt từng câu chờ mình dịch

nên người dịch phải có khả năng tóm tắt hoặc tốc ký, nếu không sẽ không nắm được hết các ý để dịch.

 

 

Ngoài ra, một số người có khuynh hướng nói dài nhưng lặp đi lặp lại một số ý thôi.

Khi người phiên dịch chỉ dịch 1 hoặc 2 ý chính trong cuộc hội thoại đó thì

phía người nghe đôi khi họ sẽ thắc mắc tại sao khi nãy người nói nói dài như vậy

nhưng dịch ra lại chỉ ngắn gọn vài câu,

không biết người dịch có dịch sai không hoặc

họ sẽ có xu hướng nghĩ rằng có thể người dịch đã không thể hoàn toàn dịch hết được nội dung cuộc hội thoại đó.

 

4.  Kính ngữ

Ngoài cách nói chuẩn, tiếng Nhật còn có cách nói lịch sự gọi là kính ngữ.

Đây cũng được xem là vấn đề đau đầu của biên dịch và thông dịch viên.

Vì kính ngữ chủ yếu được sử dụng trong các cuộc trò chuyện trang trọng

và cách sử dụng từ vựng, cấu trúc và cách diễn đạt cũng hoàn toàn khác bình thường.

 

 

Ví dụ từ góc nhìn của người nước ngoài,

nếu bạn nói “Tôi đi đây 行きます(ikimasu)”,

người nào học tiếng Nhật cũng sẽ hiểu ngay,

nhưng nếu bạn dùng kính ngữ “お伺いいたします(o ukagai itashimasu) “

thì có khả năng sẽ có người không hiểu bạn đang nói gì.

Mặc dù nó có chung nghĩa nhưng cách nói quá khác nên

nếu không nắm kính ngữ cũng khó dịch được trong những trường hợp này.

 

5. Tiếng địa phương

Các cách diễn đạt và trọng âm khác nhau bắt nguồn từ mỗi vùng cũng khiến ngữ pháp thay đổi ít nhiều,

khiến cuộc trò chuyện trở nên khó hiểu hơn.

 

Ví dụ như bản thân mình nghe quen với cách phát âm,

trọng âm và cách sử dụng các từ vựng khu vực Kanto,

vì vậy mình sẽ không thể nghe hiểu khi người Kansai nói chuyện.

 

 

Lần phiên dịch khiến mình cảm thấy vui

 

Có lẽ là lần khi làm phiên dịch bán thời gian tại cuộc thi Con quay Koma Taisen 2019 tại TP.HCM.

Cuộc thi là cuộc tranh tài giữa các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác tại TP.HCM

để chọn ra nhà vô địch đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi Koma Taisen thế giới tại Nhật Bản năm 2020.

Các đội tham gia sẽ sử dụng con quay cho chính mình chế tạo để chiến đấu 1 đối 1 cho đến khi tìm được đội chiến thắng.

 

 

Đợt đó mình dẫn khách lên chỗ diễn ra cuộc thi và giải thích các nội dung cuộc thi cho khách nghe.

Vì những người khách đó là nhà đầu tư trài trợ cho chương trình đó nên việc truyền đạt nội dung

và diễn biến cuộc thi cho khách là cũng rất quan trọng.

Mình cảm thấy rất vui vì khi hỗ trợ họ phần này.

 

 

 

Ngành cơ khí chính xác khá khô khan,

những người thợ hay công nhân làm trong ngành này có thể cũng không được biết đến nhiều,

hoặc không được đánh giá cao trong xã hội bằng các ngành khác.

Như vậy thì những người theo ngành đó sẽ dễ mất ý chí, mất động lực theo ngành.

Mình cảm thấy ý tưởng tổ chức cuộc thi con quay rất hay,

vừa tạo ra bầu không khí tranh tài, khiến cho nhân sự trong ngành cảm thấy có ý chí chiến đấu hơn,

cũng là cơ hội để các bên có thể giao lưu học hỏi kỹ thuật.

 

 

Ví dụ như đội tham gia thi đấu trả lời câu hỏi của MC trên sân khấu

khiến mọi người dưới khan đài cười òa lên.

Khi mình dịch cho khách ngồi bên cạnh nghe,

họ cũng cười theo thì bản thân mình cũng cảm thấy rất vui vì góp phần truyền tải được nội dung cuộc thi.

 

 

Dù làm công việc gì đi chăng nữa thì ai cũng không tránh khỏi phải đối mặt với những khó khăn trong công việc.

Nhưng rõ ràng nếu làm được điều đó, bạn sẽ thấy hạnh phúc và hứng thú hơn với công việc của mình.

 

Và sau mỗi lần mắc lỗi, bạn có thể học được những điều mới.

Mình cũng còn nhiều thiếu sót nên chưa hài lòng về bản thân và sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa với vai trò phiên dịch viên.

 

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này của mình.

 

to-top