2022.04.06

Cùng nhau tìm hiểu về các ngày lễ để hiểu thêm về Việt Nam

Xin chào tất cả mọi người.

Mình là Ngân, phụ trách phiên dịch tại chi nhánh Hồ Chí Minh.

 

Mọi người đã bao giờ từng thử đếm xem

1 năm có bao nhiêu ngày nghỉ,

hay thỉnh thoảng ngồi làm việc vô tình nhìn vào lịch

và thầm cảm thán “Ồ, tháng này không có ngày nào được nghỉ lễ nhỉ” chưa?

 

Vậy thì hôm nay chúng ta hãy cùng nhau

tìm hiểu về các ngày nghỉ lễ của Việt Nam nhé.

 

 

Tổng số ngày nghỉ lễ trong năm tại Việt Nam theo quy định là 11 ngày :

・Tết Dương Lịch(1 ngày)

・Tết Nguyên Đán(5 ngày)

・Giỗ Tổ Hùng Vương(1 ngày)

・Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước(1 ngày)

・Ngày Quốc tế Lao động(1 ngày)

・Ngày Quốc khánh(2 ngày)

Nếu các ngày nghỉ trên trùng vào ngày nghỉ hằng tuần,

thì người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

 

Nếu so với Nhật Bản với số ngày nghỉ lễ hằng năm lên đến 16 ngày,

thì số ngày nghỉ tại Việt Nam có phần ít hơn.

Ở Nhật, ngoài các kì nghỉ lễ dài nhiều ngày như

Tết Dương lịch, Tuần lễ vàng, Obon,

nếu tính cả các ngày nghỉ lễ riêng lẻ khác

thì cứ 3 tháng 1 lần sẽ lại có kì nghỉ.

Tại Việt Nam, chỉ có nghỉ Tết nguyên đán là kì nghỉ dài.

 

Tuy nhiên, ngoài 6 lần nghỉ lễ theo quy định kể trên,

Việt Nam chúng ta cũng có không ít những <ngày lễ văn hóa> ăn gắn bó sâu sắc với đời sống mọi người.

 

Nói cho dễ hiểu,

<Ngày nghỉ lễ> = 「Ngày nghỉ theo quy định của pháp luật」

<Ngày lễ văn hóa> = 「Ngày kỉ niệm về văn hóa hoặc ngày hội về tôn giáo」

 

<Ngày lễ văn hóa> không phải là ngày nghỉ,

mọi người vẫn đi làm bình thường vào những ngày này.

Tuy nhiên, người Việt Nam thường cảm thấy

rất phấn khích và mong chờ những ngày này vì

sẽ có rất nhiều sự kiện chào mừng diễn ra.

Đây được xem là những ngày lễ hội mang giá trị tinh thần.

 

Sau đây, mình xin giới thiệu một số ngày lễ về văn hóa đặc trưng riêng của Việt Nam.

 

Ngày 8 tháng 3・Ngày 20 tháng 10

Việt Nam có tận 2 ngày Phụ nữ !

 

Ngày Phụ nữ tại Việt Nam được tổ chức 2 lần:

Lần 1 là 「Quốc tế Phụ nữ」8/3

Lần 2 là 「Ngày Phụ nữ Việt Nam」20/10

Dù đây không phải là ngày nghỉ lễ theo quy định,

nhưng ngày Phụ nữ tại đều được tổ chức trên khắp Việt Nam.

Mặt khác ở Nhật, người ta hầu như không có kỉ niệm <Ngày phụ nữ>

 

 

Người xưa có câu:

 「Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh」

cũng cho thấy vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.

 

Vào ngày 20 tháng 10 năm 1930,

Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)

 chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này,

Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định

chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm

làm ngày truyền thống của tổ chức này,

đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và

tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày phụ nữ Việt Nam”.

 

Đó cũng là lý do vì sao tại Việt Nam có đến 2 ngày Phụ nữ.

 

Vào ngày này, những người đàn ông Việt Nam

dùng nhiều cách khác nhau để bày tỏ tình yêu thương đến những người phụ nữ.

Đối với những cặp đôi đang yêu,

ngày này gần giống như ngày lễ tình yêu vậy.

Đàn ông sẽ mua những bó hoa đẹp và

dành các món quà chân thành cho những người thân yêu của họ,

hay dành một buổi tối lãng mạn với người yêu của mình.

 

 

Đối với các cặp đã kết hôn,

những anh chồng vào ngày này sẽ phụ giúp vợ việc nhà,

hay đặc biệt xuống bếp nấu ăn cho gia đình

hoặc dẫn vợ đi ăn một bữa thịnh soạn.

 

 

Phụ nữ Việt Nam thường được người yêu, chồng,

đồng nghiệp, bạn bè, người thân,…

tặng những bông hoa hồng xinh đẹp,

những tấm bưu thiếp, rất nhiều món quà và

những lời chúc mừng tốt đẹp nhất trong dịp này,

vì vậy đây là ngày các chị em phụ nữ mong ngóng hàng năm.

 

Ngày 15 tháng 7 âm lịch

Lễ obon của Việt Nam – Lễ Vu Lan 

 

Nguồn gốc của lễ hội này bắt nguồn từ truyền thuyết về

Mục Kiền Liên, một trong mười đại đệ tử của Phật.

Một ngày nọ, thông qua thiên nhãn,

Mục Kiền Liên nhìn thấy người mẹ đã khuất của mình

bị hành hạ, đói khát nơi địa ngục.

Khi chứng kiến cảnh mẹ như vậy Ngài vô cùng xót xa,

vì thế Ngài đã dùng thần thông hóa ra một bát cơm cho mẹ mình.

Nhưng thức ăn vừa đưa lên miệng liền hóa thành lửa đỏ.

 

 

Trở lại thế giới thực tại, Ngài đã cầu xin Đức Phật giúp đỡ

và nhận được lời khuyên từ Đức Phật rằng

vào rằm tháng 7 âm lịch, ngày chư tăng mãn hạ,

thiết lễ Vu Lan nhờ sức chư tăng cùng chú nguyện

để cầu xin sự cứu rỗi cho mẹ mình.

Nghe lời Phật dạy, đúng ngày ngày rằm tháng 7,

Tôn giả Mục Kiền Liên sắm sửa vật thực,

dâng cúng mười phương chư tăng

không những giúp cho mẹ mình mà

nhiều người khác trong ngày đó cũng thoát khỏi địa ngục.

 

Kể từ đó, Lễ hội Vu Lan được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch

để tôn vinh cha mẹ, đồng thời,

người ta tin rằng, vào ngày này Cổng Địa ngục sẽ được mở ra

để các linh hồn trở lại dương gian.

Vì vậy, ở Việt Nam, người ta còn gọi tháng 7 âm lịch là “tháng cô hồn”.

 

Vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, người Việt Nam chủ yếu làm 2 việc sau:

「Cúng cô hồn」và 「Cúng ông bà tổ tiên」

Khi Cổng Địa Ngục mở ra và ma quỷ đói được trở lại trần gian,

Cúng cô hồn có ý nghĩa an ủi phần nào cho các linh hồn khốn khổ

của những người sống lang thang, chết oan không nơi nương tựa,

không người thờ phụng để họ được hưởng ít hương hoa, đồ thờ cúng.

Bên cạnh đó, nghi thức này còn nhằm xua đi vận hạn,

đẩy lùi xui xẻo, mang về bình an cho bản thân và gia đình gia chủ.

 

 

Người ta sẽ thường chuẩn bị cháo, gạo, muối, hoa quả, …

ngoài ra còn có thịt gà, thịt lợn, đậu phụ, lạc, … làm đồ cúng cho ma quỷ.

 

 

Vào thời điểm này trong năm,

người Việt Nam có xu hướng hạn chế tổ chức đám cưới, xây nhà, đi du lịch.

hoặc nếu đi có đi ra ngoài cũng sẽ cố gắng về nhà sớm.

 

Đối với việc cúng ông bà tổ tiên,

Con cháu trong nhà sẽ mua vàng mã cùng đủ loại vật dụng bằng giấy như

nhà cửa, đồ nội thất, ô tô, xe máy, điện thoại thông minh, TV…

và đốt chúng gửi cho tổ tiền của mình.

Người ta tin rằng tổ tiên ở thế giới bên kia

cũng đang sống như chúng ta ở thế giới hiện tại

nên họ sẽ cần những đồ dùng này.

 

(Một cửa hàng bán vàng mã điển hình)

 

 

Hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng.

Ngày báo hiếu để bày tỏ lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ

Vào ngày này, các tăng ni, phật tử và tín đồ

sẽ đến chùa cúng dường, cầu siêu, bố thí chúng sinh làm phúc để tích đức,

hóa giải nghiệp chướng, cầu mong cha mẹ bình an.

Vào ngày này, nếu bạn tới chùa sẽ thấy mọi người cài hoa hồng lên ngực.

Bông hồng đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời.

Bông hồng trắng dành cho những người đã mất cả cha và mẹ.

Hoa hồng được coi là biểu tượng cho sự tri ân, hiếu thảo và lòng biết ơn của con đối với cha mẹ.

 

 

Hoạt động thả đèn lồng cũng điễn ra tùy thuộc vào từng địa điểm.

Người ta tin rằng những chiếc đèn được thả xuống sông

sẽ mang điều ước của chúng ta lên trời.

hy vọng về một tương lai nhiều may mắn, bình an gia đình.

 

 

Ngày 20 tháng 11

Ngày Nhà giáo Việt Nam

Đây là ngày mọi người bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn

đối với các thầy cô giáo trong lĩnh vực giáo dục, được tổ chức trên toàn quốc.

Khi ngày này đến gần,

chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp các hàng hoa, quà

xuất hiện trên các con phố gần trường học.

 

 

Giáo viên nữ thường mặc áo dài đi làm nên bên cạnh hoa,

phần đông mọi người sẽ chọn vải may áo dài, dầu gội…làm quà tặng cho cô giáo. 

 

 

Tại các trường THCS và THPT,

nhiều hoạt động và cuộc thi diễn ra sôi nổi mừng ngày Nhà giáo Việt Nam

như cuộc thi hát về Thầy cô, hay các lớp sẽ thi nhau làm báo tường.

 

 

Vào ngày này, thầy cô cũng sẽ “hiền” hơn với học sinh

như không trả bài, dễ dàng tha thứ cho sai phạm của học trò hơn.

 

Những bạn đã tốt nghiệp ra trường

cũng sẽ dành thời gian về thăm trường cũ, thầy cô

và gửi cho họ những bó hoa để thể hiện sự biết ơn.

 

Có thể thấy, ngoài những ngày nghỉ lễ,

những ngày lễ văn hóa trên đều hết sức ý nghĩa,

mang giá trị tinh thần cao đối với người Việt Nam

 

Tôi hy vọng rằng bài blog này

sẽ giúp những người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

hiểu rõ hơn về những ngày lễ văn hóa và tận hưởng cuộc sống tại Việt Nam.

 

Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài viết này.

to-top